Trang chủ > Câu chuyện > Làm thế nào để xây dựng kỹ năng vận động và thói quen luyện tập cho bé? 

Làm thế nào để xây dựng kỹ năng vận động và thói quen luyện tập cho bé? 

Monday ngày 05/16/2022

Sự phát triển thể chất và kỹ năng vận động trong những năm đầu đời của bé là rất quan trọng. Để đánh giá bé có phát triển toàn diện và đúng hướng hay không, ba mẹ cần phải theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của bé và dạy bé tập luyện đúng cách.

Quá trình phát triển thể chất của bé

Theo các chuyên gia, cuộc đời mỗi con người đều gắn liền với những giai đoạn quan trọng như: 6 năm đầu đời, tiền dậy thì, dậy thì và trưởng thành. Từng giai khác nhau có các đặc điểm phát triển thể chất và trí não khác nhau. Đặc biệt là các giai đoạn trước tuổi dậy thì được coi là giai đoạn “vàng” trong tiến trình phát triển của bé.

Quá trình phát triển thể chất của trẻ em gồm 2 giai đoạn: giai đoạn tiền học đường và giai đoạn ở độ tuổi học đường.

Giai đoạn tiền học đường (giai đoạn 6 năm đầu đời): từ 0 – 6 tuổi

Tốc độ tăng trưởng của cơ thể nhanh nhất ở thời kỳ bú mẹ, đặc biệt là ở 3 tháng đầu đời. Sau đó, tốc độ này từ từ chậm dần lại qua các năm, chiều cao và cân nặng của năm sau tăng chậm hơn năm trước.

Chức năng cơ bản của các bộ phận cơ thể dần hoàn thiện.

Chức năng vận động phát triển nhanh, hệ cơ phát triển, có khả năng phối hợp động tác một cách khéo léo.

Phát triển nhanh về trí não, đặc biệt là ngôn ngữ.

Giai đoạn ở độ tuổi học đường (giai đoạn tiền dậy thì): từ 6 – 15 tuổi

Hình thái và chức năng cơ bản của các bộ phận trên cơ thể đã phát triển hoàn thiện.

Tốc độ tăng trưởng của cơ thể nhanh.

Chức năng vận động phát triển nhanh, hệ cơ phát triển mạnh.

Trí não phát triển và các đặc điểm tâm sinh lý giới tính dần hình thành rõ nét.

Quá trình hình thành kỹ năng vận động

Tương tự quá trình phát triển thể chất, quá trình hình thành kỹ năng vận động ở trẻ cũng được chia ra làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn tiền học đường từ 0 đến 6 tuổi:

Ở giai đoạn này trẻ phát triển rất nhanh. Có thể thấy ngay, từ lúc mới sinh bé đã có thể nắm lấy tay của bố mẹ. Dần dần, bé sẽ cố gắng lật người, ngẩng đầu nhìn xung quanh, sau đó có sự phối hợp tay để cầm, nắm, giữ tốt hơn và tiến dần đến việc có thể tự đứng dậy đi. Khả năng đi và chạy của trẻ liên tục được hoàn thiện cho đến khi trẻ được 5-6 tuổi.

Bé sẽ phát triển về thể chất qua cả 2 hình thức vận động tinh và vận động thô, kỹ năng vận động thô được hình thành trước kỹ năng vận động tinh.

Vận động thô là những kỹ năng liên quan đến vận động hoặc sự phối hợp vận động các cơ lớn của cơ thể như: lăn, bò, trườn, xoay cơ thể, chạy, nhảy, đi, đứng, lò cò, đá chân, ném, vung tay, kéo, đẩy, leo trèo, giữ thăng bằng trên một chân… Vận động thô sẽ giúp cho trẻ có thể điều khiển cơ thể, phát triển đồng thời khả năng thăng bằng, sức mạnh, ghi nhớ và phản ứng để đạt được các cột mốc phát triển phù hợp với độ tuổi. Kỹ năng này cần được trau dồi nếu không sẽ bị trì hoãn hoặc chậm phát triển, ảnh hưởng tới việc phát triển thể chất.

Vận động tinh là những kỹ năng sử dụng các cơ nhỏ điều khiển bàn tay, ngón tay giúp trẻ thực hiện được nhiều động tác khó. Dạng vận động tinh cần sự bình tĩnh và tập trung, cho phép trẻ điều chỉnh các cử chỉ như cầm nắm, điều khiển bàn tay và ngón tay. Khả năng này không ngừng phát triển do khả năng nhận thức của trẻ ngày càng phát triển và mỗi trẻ sẽ phát triển thiên hướng và theo tốc độ của riêng mình.

Ở giai đoạn mầm non, trẻ sẽ bắt chước các hoạt động mẫu ở trường để hình thành các kỹ năng vận động đầu tiên. Ban đầu, có thể trẻ sẽ thiếu tự tin, các cơ bắp có thể bị căng quá mức và dùng sức chưa đúng, nhiều cử động thừa, thiếu chính xác về không gian và thời gian. Sau đó, những kỹ năng thô sơ ban đầu thành được chuyển thành các kỹ năng chính xác, chú ý đến các chi tiết. Trẻ sẽ hoạt động nhẹ nhàng, khéo léo hơn do có sự phối hợp linh hoạt giữa các bộ phận của cơ thể nhờ sự lặp lại hệ thống các phản xạ có điều kiện. Ở bước cuối cùng của giai đoạn này, một số trẻ có thể chuyển những kỹ năng vận động đã học thành kỹ xảo vận động, hoạt động vận động tiết kiệm sức, tự tin vào hành động của mình, áp dụng được những  đã học vào thực tế khi tham gia sinh hoạt hàng ngày.

Giai đoạn ở độ tuổi đi học từ 6 tuổi đến 15 tuổi:

Khả năng nhận thức của bé dần phát triển cùng với sự phát triển kỹ năng vận động tinh và thô sẽ giúp bé thực hiện được các vận động ở mức độ cao hơn, là bước đầu để hình thành thói quen vận động.

Từ 6 – 12 tuổi giai đoạn này trẻ có khả năng tư duy logic mặc dù còn hạn chế, có những kiến thức cơ bản về vận động, thích thử thách bản thân qua các trò chơi đòi hỏi sự cân bằng cao, thao tác với mô hình phức tạp hơn, kỹ năng vận động cụ thể hơn.

Từ 12 – 15 tuổi, tốc độ và hiệu quả suy nghĩ tăng lên, trí nhớ cải thiện, khả năng điều tiết cảm xúc tốt hơn, kỹ năng lập kế hoạch và giải quyết vấn đề tăng lên. Vì vậy, các hoạt động vận động cũng dần trở nên tinh vi hơn. Trẻ bắt đầu chơi các trò chơi theo nhóm, chơi các môn thể thao có tổ chức, dành nhiều thời gian và sự tập trung cho sở thích cá nhân nào đó.

Phương pháp tập luyện cho bé qua các độ tuổi

Bé ở độ tuổi 0 đến 3 tuổi nên có các hoạt động vận động ở cường độ nhẹ vì giai đoạn này chủ yếu trẻ bắt chước người lớn, chưa kiểm soát tay, chân tốt, có thể tập luyện các bài tập vận động thô như trườn, bò, đi thăng bằng, các trò chơi tập luyện khả năng ghi nhớ có kết hợp thêm vận động hoặc các trò chơi di chuyển vượt chướng ngại vật.

Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo (từ 3 đến 5 tuổi) cần được khuyến khích vận động và tham gia vào các trò chơi vận động với sự hỗ trợ của người lớn như: chạy, nhảy… nhằm phát triển khả năng phản ứng, khả năng thăng bằng, khả năng bắt chước của trẻ. Một số trò chơi được khuyến nghị là: ném bóng, chụp bóng, đi thăng bằng, đá bóng vào ô, đi xe đạp hoặc xe ba bánh… Thời gian vận động hợp lý là khoảng 3 giờ mỗi ngày ở tất cả các cường độ: nhẹ, trung bình và mạnh.

Trẻ em trong độ tuổi đi học (6 đến 15 tuổi) có thể vận động với cường độ cao hơn, có thời lượng và cường độ phù hợp để có thể vừa phát triển chiều cao, thể lực vừa phòng tránh chấn thương. Nên tăng cường các bài tập nền tảng phát triển chung để tạo điều kiện cho hệ thống cơ, gân, dây chằng của cơ thể thích nghi, đặt nền tảng quan trọng cho hoạt động thể chất suốt đời. Lứa tuổi này cần khuyến khích trẻ tham gia một môn thể thao nào đó như cầu lông, bóng đá, bơi, đạp xe,…

Trên đây là một số thông tin cần thiết về quá trình hình thành kỹ năng vận động và tập luyện ở trẻ em. Mong rằng thông qua bài viết này, ba mẹ có thể xác định và theo dõi được quá trình phát triển mỗi ngày của bé, từ đó có những phương pháp tập luyện phù hợp, hiệu quả nhằm kích thích và thúc đẩy sự phát triển của trẻ một cách tối ưu.

 

Các bài liên quan